CHIẾN BINH CẦU VỒNG
Phan_19
Rốt cuộc viên quản đốc đành phải đến. Chẳng nói chẳng rằng, ông ta lấy ra một chiếc máy tính to tướng và cho cô Mus thấy một con số lớn.
“Từng này rupi cơ đấy cô Mus ạ. Cô và bọn học sinh có thể mua một mảnh đất rộng gấp mười lần mảnh đất này; cô có thể cho xây một ngôi trường khác tốt gấp mười lần ngôi trường này.” Ông ta nói rõ từng lời với giọng điệu chiếu cố.
“Thưa quản đốc, đây không phải trường của tôi, mà của người dân. Hơn nữa, tôi đã nói đi nói lại rồi: Chúng tôi sẽ không bán mảnh đất hay ngôi trường này, dù nó đổ nát đến như thế nào, với giá bao nhiêu đi nữa.”
Cô nói giọng điềm tĩnh, và qua cách nói của cô ai cũng có thể nhận thấy rằng đối với người như cô Mus tiền bạc không là gì. Mặc dù nghèo thật đấy nhưng cô Mus không bao giờ bị đồng tiền làm cho lóa mắt.
Viên quản đốc thấy khó chịu và trở nên hằn học.
“Được, có lẽ cô và bọn học sinh đây không thực sự đủ tư cách đại diện cho bên bán. Theo như tôi biết, đây là tài sản của cộng đồng tôn giáo, chứ không phải của cô.”
Quan điểm của viên quản đốc quả thật có cơ sở vững chắc xét theo góc độ luật pháp, nhưng trong trường hợp này đưa ra lý lẽ ấy chỉ tổ thiệt cho ông ta mà thôi. Và quả đúng thế thật.
“Đúng thế thưa ông, quả thực đất này là cộng đồng tôn giáo, thế nên nó không thể đem bán được. Đất này đã được ủy thác cho chúng tôi và chúng tôi phải làm tròn trách nhiệm ấy. Quản đốc à, nếu như ông là một người Hồi giáo, liệu tôi có phải giải thích cho ông trách nhiệm có ý nghĩa như thế nào đối với một người theo đạo Hồi không nhỉ?”
Ông quản đốc xấu hổ mặt đỏ tía lên hệt như củ cải đường.
Ông trưởng bộ phận khai thác, cấp trên của ông quản đốc, ngùn ngụt lửa giận. Ông ta có tính khí rất thất thường, bắt đầu sự nghiệp với vị trí đứng đầu lực lượng an ninh đặc biệt của PN gồm những thanh niên được trang bị súng AK 47. Ông ta cáu tiết với ông quản đốc vì không thể lo nổi một chuyện vặt như thế. Đã chán nản, mệt mỏi với những cuộc điều đình thương lượng với nhà đầu tư ở Jakarta và Belitong, thế mà rồi ông lại còn phải thân chinh đến trường tôi để dàn xếp vấn đề có vẻ nhỏ nhoi ấy.
Mặc dù biết sẽ phải đối mặt với một viên chức xấu xa khét tiếng, cô Mus vẫn bình thản. Nhưng Mahar thì không thoải mái như thế. Nó cử Syahdan, mật vụ của chúng tôi, làm một cuộc điều tra. Syahdan báo cáo lại rằng ông trưởng bộ phận khai thác đó đầu óc thì ngu dốt còn bản chất thì ác độc – một sự kết hợp đầy nguy hiểm. Mahar triệu tập các thành viên của Chiến binh Cầu vồng bên dưới cây filicium. Nó bảo rằng tình huống có nguy cơ gay go hơn và thậm chí ngoài tầm kiểm soát nữa. Chúng tôi thảo luận thật kỹ. Cuối cùng, chúng tôi đi đến một giải pháp, nhưng ấy là một giải pháo chúng tôi đã cố tránh. Giải pháp đó là do chính trị gia của chúng tôi, Kucai, đề xuất.
“Tao sẽ mời những phóng viên tao quen biết ở Tanjong Pandan đến đây,” nó bảo.
Kucai quả là thông minh khi đưa ra ý kiến đó.
Ông trưởng bộ phận khai thác bổ nhào đến trường chúng tôi. Trông diện mạo ông ta rõ ràng là sắp lên cơn giận đùng đùng.
“Cô Mus,” ông ta sấn sổ, “tôi có cần nhắc cho cô nhớ rằng PN do nhà nước sở hữu không nhỉ? Chính phủ đã ban hành những quy định đảm bảo việc tự do hoạt động kinh doanh nhà nước vì lợi ích người dân cơ mà!”
Cô Mus là một cô giáo có phẩm giá với kiến thức sâu rộng và khả năng tự chủ đáng nể.
“Lợi ích người dân?” cô hỏi.
Ấy là một câu hỏi tu từ thể hiện rõ ràng một điều rằng từ người dân mà ông trưởng bộ phận khai thác thốt ra không bao gồm những người dân bản xứ.
“Thưa ông, tôi có cần nhắc nhở ông rằng có những luật bảo đảm bất kỳ một công dân nào cũng có quyền được đi học không? Luật đó có trong hiến pháp của quốc gia. Theo như tôi biết, hiến pháp là luật tối cao của quốc gia. Để tôi trích điều luật ấy ra cho ông nghe luôn nhé?”
Ông trưởng bộ phận khai thác sửng sốt. Ông đã đánh giá cô Mus quá thấp. Và giờ trông ông như thể vừa bị một viên gạch rơi trúng người. Lẽ ra ông nên học hỏi kinh nghiệm từ ông đội trưởng khảo sát và ông quản đốc mới phải.
“Nếu ông cứ nhất quyết làm như thế thì chúng tôi sẽ tự cột chúng tôi vào ngôi trường này.”
Ông trưởng bộ phận khai thác muốn nổi cơn tam bành lên ngay lúc này, nhưng ông nhận ra có một vài phóng viên đang đứng trong góc sẵn sàng chụp một tấm ảnh mà nhất định ngày mai thể nào cũng xuất hiện ngay trên trang nhất. Và bên trên tấm ảnh ấy là dòng tít: Quan chức PN xử sự thô lỗ với cộng đồng thiểu số hay Ông trưởng bộ phận khai thác không biết gì về hiến pháp!
Ông trưởng bộ phận khai thác lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Ông phải thừa nhận rằng cô Mus đúng. Ông cũng sợ bị hê lên mặt báo. Các phóng viên có thể đọc được dự định của ông từ những lời lẽ báng bổ và cách hành xử thô lỗ của ông dưới một ngôi trường Hồi giáo cổ. Chúng tôi biết rằng trên thế gian này có hai thứ không thể chống đối được: Thượng đế và phóng viên.
Ngày hôm sau, tin tức về sự kháng cự của chúng tôi xuất hiện trên báo chí địa phương. Và chỉ cần như thế thôi, cái nhà kho cùi dừa khô của chúng tôi trở nên nổi tiếng. Khắp nơi người ta râm ran kháo nhau về chuyện một cô gái trẻ dám chống lại Vua Thiếc, và mười một học sinh của cô đột nhiên biến thành “những anh hùng mẫu mực”. Những bài báo giúp chúng tôi nhận được niềm thông cảm lớn lao và cũng dấy lên những bàn tán xôn xao nơi các quán cà phê vỉa hè.
Chẳng mấy chốc, cũng thông qua những câu chuyện trà dư tửu hậu ấy mà bỗng dưng cô Mus biến thành một luật sư nhà nước tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu của Jakarta giả dạng cô giáo trường làng đến dạy tại trường Muhammadiyah. Người ta còn bảo, để cho việc giả trang hoàn hảo, cô còn giả vờ làm cô thợ may vá nữa. Và hóa ra thầy Harfan lại là một kỹ sư xe đạp, người đã mất năm mươi mốt năm giả dạng làm ông giáo nghèo. Để cho việc giả trang hoàn hảo, thầy cũng giả vờ trồng sắn trong vườn nhà nữa.
Những đứa học sinh thực ra là con nhà giàu. Cha mẹ chúng hóa trang chúng thành những đứa trẻ nghèo. Người ta cho rằng chúng tôi làm tất cả điều ấy để lột trần thái độ đối xử bất công của PN đối với người dân Belitong.
Cùng với tin đồn đó, trường chúng tôi – ngôi trường chưa từng được ai đến thăm hay được ai chiếu cô dành chút thời gian – giờ trở nên đông nghịt.
Những chính trị gia, đảng viên, thành viên của cơ quan lập pháp lũ lượt kéo đến, cả những quan chức cấp cao của chính phủ nữa. Họ đột nhiên quan tâm đến cảnh ngộ cùng cực của chúng tôi. Từ trước đến nay, chắc hẳn là họ cứ thế đi qua trường tôi trên đường đến văn phòng làm việc xa hoa của họ mà chưa từng để ý đến nó bao giờ. Cứ như thể họ vừa phát hiện ra rằng có một ngôi trường nhỏ nhoi bên rìa khoảnh đất đó vậy.
Cái tin rằng có trữ lượng thiếc lớn nằm bên dưới ngôi trường chúng tôi, cộng thêm cơ hội tạo dựng hình ảnh thể hiện sự quan tâm đến những con người thấp cổ bé họng, khiến mắt họ sáng trở lại. Như một câu tục ngữ Mã Lai xưa: ở đâu có mật ở đó có ong. Vì có quá nhiều người thông cảm với trường tôi nên những chính trị gia, đảng viên, dân biểu và quan chức nhà nước đột nhiên đổ xô về vây quanh chúng tôi.
Có những người sẵn sang đại diện cho chúng tôi và tình nguyện thay mặt chúng tôi phát biểu. Và đột nhiên, ai nấy đều trở nên rộng lượng. Có người còn muốn cho cô Mus tiền vì những năm tháng dạy học không lương bổng; có những tổ chức và cơ quan sẵn sàng đứng ra sửa chữa cho trường chúng tôi.
Vì tất cả những đề nghị giúp đỡ ấy chỉ mang tính vụ lợi cá nhân nên cô Mus khéo léo chối từ. Một cơ quan muốn quyên góp một máy bơm nước song hết lần này đến lần khác cô Mus đều không nhận. Nhưng họ không chịu bỏ cuộc, thế là một khuya họ cho lắp cái máy bơm vào giếng trong khi chưa được sự đồng ý của cô. Sau khi lắp xong, họ chụp ảnh gần cái máy bơm, lấy ngôi trường chúng tôi làm nền.
Cô Mus nhiều lần phải trả lời phóng viên. Thậm chí có vài lần tôi cũng được hỏi và chụp ảnh nữa. Cứ hễ có ai hỏi đến là tôi run lẩy bẩy. Tôi không biết họ hỏi gì và tôi nên trả lời ra sao. Điều quan trọng nhất là chúng tôi được chụp ảnh. Người thấy vui nhất khi được chụp ảnh dĩ nhiên là Harun. Mỗi lần được chụp ảnh, cậu đều giơ lên ba ngón tay.
Trong khi đó, Kucai toét miệng cười hỉ hả. Nó thấy khoái chí vì sự nghiệp chính trị của mình đang tiến triển tốt đẹp. Nó có thể ma mãnh thật, nhưng lần này quả là chúng tôi phải đứng nghiêm mà chào nó. Sự quan tâm từ mọi phía nhiều đến nỗi rốt cuộc đã đến Taikong.
Taikong là cấp trên của trưởng bộ phận khai thác. Ông ta chỉ đứng sau lãnh đạo cao cấp nhất của PN. Đây là một chức vụ đáng hãnh diện. Vì chức vụ này cao trọng đến như vậy nên người ta thường giữ cái danh Taikong cho đến tận lúc đã về hưu – chẳng hạn như thầy giáo dạy kinh Koran cho chúng tôi được gọi là Taikong Razak.
Taikong nói chuyện khác với cấp dưới của mình – đội trưởng đội khảo sát, quản đốc, và trưởng bộ phận khai thác – vì ông được học hành tử tế. Ông không ra lệnh hay đe dọa vô tội vạ.
“Chẳng phải tôi thách thức gì PN cả. Và tôi không đấu tranh cho ngôi trường này mà là cho hàng ngàn trẻ em nông thôn Mã Lai.”
Taikong gật đầu.
“Nơi này không chỉ là một ngôi trường, thưa Taikong. Nơi này đã trở thành một biểu tượng, một biểu tượng của niềm hy vọng được cắp sách đến trường của những trẻ em nghèo khổ. Nếu ngôi trường này sụp đổ, trẻ em nông thân sẽ mãi mắc kẹt trong những vườn tiêu, nhà máy cùi dừa khô, những chiếc thuyền đang chờ xảm và những cửa hàng của người Hoa. Chúng sẽ thiếu tin tưởng vào những ngôi trường làng và không tin vào việc học nữa.”
Taikong nhìn cô Mus không chớp mắt, ông thấy kinh ngạc. Ông nói rằng nếu có quyền quyết định ông sẽ cho dừng chuyện này lại ngay.
“Nhưng quyền nằm trong tay người cao hơn nữa, cô Mus ạ.”
Chúng tôi hoan hô khi Taikong nói ông sẽ sắp xếp một cuộc gặp giữa chúng tôi và người đứng đầu PN. Mặc dù khả năng trường tôi có thể được cứu là rất nhỏ nhoi, nhưng ít ra chúng tôi đã có thể được gặp người đừng đầu PN.
Chương 38 - Hóa ra thiên đàng lại ở ngay làng mình RỐT CUỘC, với sự giúp đỡ của Taikong, lá thứ của cô Mus đã được thư ký PN hồi âm. Chúng tôi được thông báo người đứng đầu PN sẽ dành thời gian gặp chúng tôi.
Khắp làng người ta râm ran kháo nhau về cuộc gặp sắp tới – chuyện chưa từng thấy từ trước đến nay. Nhiều người liện hệ với cô Mus xin được làm đại diện cho chúng tôi. Cô từ chối tất, chỉ muốn đi cùng đám học trò của mình.
Chúng tôi có thêm những người ủng hộ mới. Những bức xúc về PN lâu nay chôn chặt trong họ giờ bùng lên. Hóa ra họ rất bức xúc. Họ rất quan tâm đến cuộc gặp sắp tới của chúng tôi. Và cho dùng những nỗ lực của chúng tôi chắc chắn sẽ không nên cơm cháo gì nhưng sự tiên phong của chúng tôi cũng mở mắt cho họ, cho thấy rằng một tập đoàn, thậm chí là một tập đoàn công hữu, cũng không được đối xử với người ta sao cũng được. Những người lâu nay vẫn lớn tiếng bảo cô Mus là đồ điên đang cuống cuồng rút lại những gì mình đã nói. Họ không bao giờ hình dung ra nổi cô lại được người đứng đầu PN đồng ý cho gặp.
Chúng tôi dồn sức cho cuộc gặp sắp tới, cô Mus cùng với sự trợ giúp của chính trị gia phe chúng tôi – Kucai – thảo một bài diễn văn dài năm trang. Chúng tôi mượn trụ sở thôn cái máy đánh trữ. Sahara đánh máy.
Bài diễn văn bắt đầu bằng trích dẫn lời nói đầu của Hiến pháp 1945. Kế theo đó là lịch sử giáo dục đạo Hồi ở Belitong. Rồi đến câu chuyện về những trẻ em Mã Lai nghèo không bao giờ tin vào việc học hành. Và đương nhiên không thể sót câu chuyện đầy kịch tính về những cuộc đấu tranh cho sự nghiệp giáo dục của những anh hùng vô danh như thầy Harfan và những người tiên phong khác nữa. Và cả hai chiếc cúp danh giá là thành tích không thể chối cãi của chúng tôi.
Như thằng Kucai đề nghị, trước khi khép lại bài diễn văn, cô Mus trích dẫn Điều 33 trong Hiến pháp rằng mọi công dân đều có quyền được học hành. Và sau cùng, câu kết của bài diễn văn hết sức súc tích: Vì vậy, thưa Ông, xin đừng đóng cửa ngôi trường.
Theo đúng kế hoạch, chúng tôi tập trung trước cổng chính Điền Tang. Chúng tôi mặc bộ quần áo tươm tất nhất mình có. Trông như cái áo lành lặn nhất của Syahdan và Mahar vẫn thiếu một vài chiếc cúc. Bộ quần áo bảnh nhất của Lintang lốm đốm nhựa doi, còn tôi thì mặc chính cái bộ tôi vẫn mặc lúc đi nhà nhờ, bộ tôi nhận được vào dịp đạt giải ba cuộc thi azan năm trước.
Trước khi đến văn phòng chính của PN ở Điền Trang, chúng tôi đã cùng nhau cầu nguyện. Vừa hồ hởi vừa phấn khích.
Bảo vệ mở cổng mời chúng tôi vào.
Chúng tôi bước vào Điền Trang, và hàng bao nhiêu năm sau chúng tôi vẫn không thể quên được những gì xảy ra kế tiếp. Chúng tôi đi túm tụm vào nhau, càng bước càng sợ sệt vì quá sửng sốt. Miệng chúng tôi cứ há hốc luôn khi nhìn thấy những thứ mà chúng tôi chưa bao giờ có thể hình dung, ngay cả trong những giấc mơ tuyệt đỉnh.
Đây là lần đầu tiên chúng tôi – ngoại trừ Flo – trông thấy Điền Trang. Chúng tôi có cảm giác mình không còn ở Belitong nữa.
Tòa nhà gần chúng tôi nhất giống hệt một tòa lâu đài. Từ lâu đài đó phát ra một điệu nhạc lạ lùng mà giờ tôi mới biết là nhạc cổ điển. Những con vật kỳ lạ lang thang trên khắp sân. Một vài tháng trước chúng tôi mới biết tên những con vật kỳ lạ này từ Himpuman Pegetahuan Umun, một cuốn sách về kiến thức phổ thông. Chúng là gà tây, công, bồ câu Anh và chó xù. Chúng được tự do rong chơi không ai canh giữ.
Có một vài con mèo trông cũng lạ lắm. Chúng tôi chưa hề thấy những con mèo như vậy. Chúng rất khác bọn mèo làng lúc nào cũng có vẻ như muốn ăn vụng gì đấy. Những con mèo này rất tao nhã, đẹp đẽ và no đủ. Nhìn mặt là biết ngay chúng luôn được nuông chiều rồi. Bạn tôi ơi, nếu bạn muốn biết, đó chính là mèo Angora đấy!
Vì sống trong Điền Trang nên con nhỏ Flo cố làm cho ra dáng một hướng dẫn viên. Nhưng chúng tôi không màng để ý đến những lời huyên thuyên của nó vì chúng tôi như bị những căn nhà lộng lẫy xa hoa đó bỏ bùa.
“Những căn nhà đó được xây từ hồi nơi này còn là thuộc địa Hà Lan. Xây theo lối kiến trúc thời Victoria đấy,” con nhỏ Flo giải thích.
Tấm rèm của những căn nhà đó vừa lớn vừa nhiều lớp. Khu vườn thì rộng cỡ sân trường chúng tôi. Cỏ trên sân được cắt xén gọn ghẽ và xanh mượt như sân golf. Có một chỗ đậu xe và một cái hồ xung quang trồng huệ tây rất đẹp.
“Thưa cô…,” con Sahara thì thầm giọng run run, “hóa ra thiên đàng lại ở ngay làng mình cô nhỉ.”
Cô Mus như người bị lạc lối, không biết nơi đây là nơi nào. Cô nín thở, không thốt nên lời.
“Subhanallah, em ơi, lạy Đức Alla xin hãy che chở cho con… nhìn nơi này mà xem.”
Bảo vệ đưa chúng tôi đến văn phòng chính của PN ở giữa khu phức hợp Điền Trang. Rồi chúng tôi được mời vào phòng thư ký. Ở đó cô Mus gặp lại những bạn học cũ giờ làm thư ký PN và nhân viên hành chính – Midah, Aini, Nizam, Izim và Nurul. Họ trông giàu có hơn cô Mus nhiều. Họ mặc quần áo diêm dúa trong khi quần áo của cô thật giản dị.
Một ông mặc áo khoác safari đến gần bảo chúng tôi vào phòng họp. Phòng họp thật choáng ngợp. Bàn ghế cái nào cũng to tướng và ngạo nghễ. Chúng thôi thấy căng thẳng. Không lâu sau đó một người đàn ông mà chúng tôi ngay lập tức tin chắc chính là người đứng đầu PN, có ba người mặc com lê đi cùng. Trông ông có vẻ uy quyền nhất, những người xung quanh ông xun xoe như thể tranh nhay được ông sai bảo. Một trong ba người mặc com lê đó là Taikong.
Người đứng đầu PN hoàn toàn không giống như chúng tôi đã nghĩ; chúng tôi những tưởng ông sẽ giống như ông quản đốc, đáng sợ và háo thằng. Nhưng đứng trước mặt chúng tôi đây, người đứng đầu PN rất khác. Hóa ra ông là người có vóc dáng nhỏ bé. Mặt ông nhẵn nhụi và có vẻ rất thông minh. Tóc ông đã bạc và thưa hơn nhiều so với tuổi. Trông ông dễ gần, có vẻ sẵn sàng lắng nghe người khác. Ông nhìn cô Mus một lúc rồi mỉm cười.
Một người phụ nữ đứng lên chào hỏi gì đó rồi nói với cô Mus, “Hãy nói cho chúng tôi biết lý do cô cùng học sinh của mình đến đây để gặp ông giám đốc.”
Cô Mus sửa lại chiếc jilbab rồi đứng lên. Chuyện xảy ra sau đó là một ký ức mà suốt cả đời này tôi không thể nào quên. Mặc dù cô Mus từng trải qua nhiều thử thách, từng bị ông Samadikun và ông trưởng bộ phận khai thác đe dọa nạt nộ, thế nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy cô run rẩy. Cô mở bài diễn văn dài năm trang của mình.
Chúng tôi chuẩn bị tư thế để lắng nghe cô Mus run rẩy đọc lời mở đầu bài diễn văn, cũng là lời mở đầu hiến pháp, cuộc chiến không ngừng nghỉ vì sự nghiệp giáo dục, trường tôi là biểu tượng của giáo dục dành cho những người nghèo khổ, số phận của trẻ em Mã Lai nghèo, và giáo dục là quyền con người. Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng vỗ tay hoan hô cô sau khi một đoạn diễn văn chấm dứt. Nhưng cô Mus vẫn im lặng, nhìn chằm chằm vào trang giấy trước mắt. Một lúc trôi qua. Nhưng có vẻ như cô không thể đọc được chữ nào trong bài diễn văn của mình.
“Xin mời cô trình bày,” người phụ nữ lên tiếng.
Cô Mus vẫn thế. Trông cô như muốn nói hàng ngàn điều nằm ngoài năm trang giấy này. Không một lời nào được thốt ra từ miệng cô. Những người bạn học của cô sốt ruột.
“Nào, Mus, đây là cơ hội của cậu. Nói đi!” chị Nurul thì thào.
Cô Mus vẫn im lặng. Người đứng đầu PN nhìn cô Mus không giấu nổi ngạc nhiên.
“Ngài giám đốc hạ cố gặp cậu đã là một diễm phúc. Cậu bảo cậu muốn trình bày chuyện gì đó cơ mà, nói đi chứ!” chị Izmi làu bàu.
Cô Mus vẫn im thin thít. Chúng tôi nhìn nhau xôn xao. Cô giáo chúng tôi sao thế nhỉ? Chẳng lẽ cô sợ đến thế hay sao? Chị Nizam gõ gõ vào tập tài liệu trên bàn trước mặt, thất vọng khi thấy cô Mus nãy giờ vẫn không thốt nổi một lời nào.
“Nói điều cần nói đi chứ Mus! Sao thế?” chị Nizam nổi đóa.
Người phụ nữ lúc nãy cố xoa dịu mấy người bạn cô Mus. Kucai trông cũng sốt ruột, như thể nó muốn giật lấy bài diễn văn từ tay cô Mus. Có thể nó muốn tự đọc trước người đứng đầu PN.
“Thưa cô, sao thế ạ?” Sahara thì thào.
Cô Mus vẫn nín thinh. Người đứng đầu PN nói, “Nào cô giáo, đừng sợ. Nói đi.”
Thay vì trả lời, cô giáo chỉ nhìn trân trân vào người đứng đầu PN. Mắt cô mở to và người cô run lên. Cô nắm mấy tờ giấy trong tay chặt hơn. Như thể cô đang bị một thứ gì đó ám ảnh. Là học trò của cô nhiều năm nay, bản năng mách bảo tôi chuyện này là thế nào. Cô hằn là đang nhớ tới thầy Harfan. Cô bị ám ảnh bởi gương mặt những người sáng lập nên ngôi trường Muhammadiyah ở Belitong – những người vì dựng nên ngôi trường này mà đã từng bị đe dọa, tống giam, tra tấn, lưu đày, gạt ra ngoài lề cuộc sống và bị giết bởi những kẻ thực dân cầm quyền. Cô không thể chịu nổi cái suy nghĩ phải một mình bảo vệ ngôi trường này. Dù sao đi nữa, cô đâu có chống lại nhà chức trách thực dân, mà thực ra cô đang chống lại những người đồng xứ của mình. Mắt cô ậng nước, nhưng cô không khóc. Cô Mus không bao giờ muốn mình tỏ ra yếu đuối trước mặt đám học trò.
Không ai nói lời nào. Cô Mus lấy một thứ gì đó gói trong tấm khăn tay. Cô bước lại gần người đứng đầu PN trao nó cho ông.
Rồi cô quay lại chỗ ngồi.
Người đứng đầu PN mở cái gói đó ra. Bên trong là một hộp phấn. Ông mở hộp ra, lấy ra một vài mẩu phấn đã được cô Mus dùng dở.
“Cám ơn, cô giáo.” Người đứng đầu PN nói.
Chúng tôi cáo lui.
Chương 39 - Người buôn cái nghèo CHÚNG TÔI TRỞ VỀ NHÀ với hai bàn tay trắng. Chúng tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ. Cô Mus đã quá ủy mị và xúc động đến nỗi không thể đọc nổi bài diễn văn bảo vệ trường chúng tôi. Chính chúng tôi cũng không thể làm gì được. Khung cảnh xa xỉ đầy uy nghiêm của Điền Trang đã đánh gục chúng tôi, đã khiến cho nhuệ khí của chúng tôi tiêu tan hoàn toàn. Thật đúng như những người đã nói trước đây: Điền Trang và PN quá mạnh, không ai đủ sức đối đầu.
Chúng tôi chỉ có thể cam chịu số phận an bài. Mọi điều chúng tôi đã làm để giữ lại ngôi trường – đối mặt với thanh tra giáo dục, cố hết sức giành được những phần thưởng danh giá, thách thức Vua Thiếc – tất cả đều chẳng mang lại ý nghĩa gì. Trường chúng tôi sẽ biến mất khỏi mặt đất. Chúng tôi phải chấp nhận số phận nghiệt ngã đó.
Chúng tôi thống nhất đến trường vào ngày thứ Ba tuần sau để lấy những thứ giá trị còn lại – hai chiếc cúp danh giá. Ấy là những thứ giá trị duy nhất mà chúng tôi có được, chúng chi có giá trị đối với chúng tôi mà thôi. Chúng tôi cũng thống nhất sẽ chia tay nhau bên dưới tán cây filicium. Thật cay đắng quá.
Tuy nhiên, khi đến trường vào buổi sáng thứ Ba hôm ấy, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên – tiếng ầm ĩ hỗn loạn khiến chúng tôi khiếp sợ hàng tháng giờ chẳng nghe thấy gì nữa. Chúng tôi rất kinh ngạc khi thấy những công nhân PN đang dỡ lán trại của cu li và đội ngũ nhà bếp đang thu dọn mọi thứ như thể họ đang sửa soạn để chuyển đi. Những cái máy xúc lâu nay trực chỉ hướng Đông thẳng tiến hòng san phẳng trường tôi giờ đang đổi sang hướng Bắc.
Cô Mus lao đi khắp sân trường để tìm hiểu xem chuyện gì.
Một chiếc xe hơi sang trọng lăn bánh vào sân trường. Một người đàn ông bước xuống xe tiến tới gần cô Mus. Đó là Taikong. Ông mỉm cười, vừa cười vừa nói với chúng tôi. Nghe ông nói, chúng tôi muốn nhảy cẫng lên vì sung sướng.
“Người đứng đầu PN đã lệnh cho đội trưởng đội máy xúc quay về.”
Cô Mus xúc động ghê gớm. Cô đưa tay ôm ngực. Cô cảm ơn Taikong và vội vã quay về trường. Chúng tôi chạy theo cô. Cô Mus nâng bảng tên trường đã bị rơi xuống nằm thảm hại dưới đất. Cô chùi tấm bảng bằng đầu chiếc khăn jilbab cho đến khi nhìn rõ chữ trên đó.
Sau khi được cô Mus lau tới lau lui, tấm bảng lại bừng sáng trở lại phản chiếu lấp lánh ánh mặt trời. Ngôi trường cũ của chúng tôi đã vùng dậy từ cõi chết, nó đã hồi sinh.
Chúng tôi sung sướng đến mê ly khi giành lại được ngôi trường. Cô Mus kéo lá cờ đỏ trắng lên. Nó lại tung bay ngạo nghễ cùng với gió, bụi và tiếng động cơ đang lùi xa dần. Chúng tôi nhảy vòng quanh cột cờ.
Cô Mus giao cho chúng tôi nhiệm vụ khôi phục lại ngôi trường. Chúng tôi sửa lại mái, treo lại tấm bảng lên tưởng, tấn them một cây cột nữa để trường không bị đổ và gầy dựng lại vườn hoa bị xéo nát.
Điều lạ lùng là, sau khi nghe tin trường tôi sẽ không bị mấy cái máy xúc giật đổ nữa, đám chính trị gia, đảng viên, dân biểu – những người đã từng đến đây thăm trường chúng tôi – đột nhiên biến mất tăm. Họ bị mù trở lại. Người ta quay về với sự vô tâm.
Ngay cả cái tổ chức lắp máy bơm cho chúng tôi dù chưa được sự đồng ý của cô Mus cũng đã đến lấy máy về, lần này cũng chẳng thèm hỏi han gì.
Kinh nghiệm đã dạy cho chúng tôi một điều quan trọng liên quan đến sự nghèo túng; cái nghèo là một mặt hàng. PN hủy kế hoạch khai thác thiếc ở trường tôi, điều đó không có nghĩa là chúng tôi bớt nghèo đi. Chúng tôi không bị tống đi thì chẳng còn xung đột nào với PN nữa. Không ai có thể lợi dụng tình huống này để tống tiền PN hay trở thành một anh hùng đích thực, không có lá phiếu nào từ sự vụ này cả. Sẽ không có tấm ảnh buồn bã nào đi kèm với những lời đề nghị được viên trợ. Sự rút lui của mấy cái máy xúc đã khiến cho giá trị thị trường của cái nghèo nơi trường chúng tôi tụt xuống một cách thảm thương.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian